Ly thân nhiều năm, anh đe doạ nếu không được nuôi con | Số 8

Khi cuộc sống tình cảm chấp nhận một cuộc ly thân kéo dài qua nhiều năm, những vụ việc phức tạp có thể xuất hiện. Một trong những tình huống thường gặp là khi một trong hai bên đe doạ người còn lại về việc nuôi con. Hành động đe dọa này không chỉ gây ra căng thẳng tinh thần, mà còn có thể ảnh hưởng đến tương lai của cả hai phía và đặc biệt là tâm hồn của đứa trẻ.

Số giải đáp lần này là một số giải đáp cho một học viên đang có câu chuyện sau khi ly thân nhiều năm người chồng đề nghị ly hôn và chia tài sản, nếu không chia thì người chồng sẽ đe dọa cô ấy. Khi đứng trước tình huống này cần làm gì để mọi chuyện được giải quyết một cách hợp tình, hợp lý nhất. Vậy hãy cùng theo dõi những giải đáp của Coach Thiên Bình- học viên khóa K03 lớp học đào tạo Chuyên Gia dành cho học viên này bạn nhé!

Câu chuyện học viên: Chào Chuyên Gia, vấn đề mình đang gặp phải là liên quan đến hôn nhân. Chúng tôi ly thân đã nhiều năm, chồng tôi nói với mọi người không còn thương tôi nữa. Anh sống hời hợt, không quan tâm tới chuyện nhà cửa, hàng tháng chỉ chuyển cho tôi 8 triệu để lo cho hai đứa nhỏ, còn lại không giúp đỡ tôi việc nhà, trừ khi tôi nhờ đón con giúp, tôi có đi làm về trễ cũng không chủ động nấu cơm giúp tôi. Tôi cũng chưa biết được rằng nguyên nhân lớn bắt nguồn từ đâu nhưng tôi biết rằng chồng tôi hay chấp nhặt và ghim những việc vụn vặt. Hay so sánh tại sao nhà ngoại cái gì cũng cho em trai tôi còn tôi thì không có gì. Anh ấy là con người chỉ yêu bản thân, sống không công bằng vì chỉ thương đứa con thứ 2 còn bé đầu không thương, hay bênh vực bé gái hơn, và đổ lỗi cho tôi và nhà ngoại chia cắt tình cảm của hai cha con, trong khi đó ông bà ngoại là người lo hết cho tôi khi sinh 2 đứa nhỏ, không được nhà nội quan tâm vì anh ấy từ bỏ bố mẹ và các chị của mình.

Mâu thuẫn lớn nhất là cách đây 1 tháng, tôi đi công tác, anh ấy gửi thằng bé đầu và bắt bé thứ hai về ngoài quê (Hưng Yên) không cho tôi nói chuyện, không cho tôi gọi điện thoại và gửi thư đe dọa nếu tôi không cho anh nuôi bé thứ 2 khi ly hôn sẽ giết cả gia đình tôi, bôi nhọ danh dự của gia đình và làm tôi mất việc tại cơ quan (tôi hiện tại đang làm tại 1 cơ quan nhà nước còn anh là một giảng viên đại học cũng như làm trưởng đại diện cho 1 công ty đóng tàu tại miền Nam), bắt gia đình tôi phải chia cho anh 300 triệu (chia tiền nhà sau khi đã trừ khoản nợ khi vay để mua nhà ở xã hội). Tôi nên làm gì trong trường hợp này? Anh đã ký đơn ly hôn và để tại nhà, bắt tôi ký và đem ra tòa nộp, sau đó chuyển ngay cho anh 300 triệu nếu không sẽ hại cả gia đình bên ngoại

Giải đáp Chuyên Gia

Chào bạn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về chuyên mục để Thiên Bình có cơ hội được chia sẻ một vài góc nhìn về vấn đề bạn đang gặp phải.Bạn thân mến!Có lẽ khi trải qua biến cố hôn nhân, chưa thể hàn gắn, mối quan hệ căng thẳng, ngột ngạt cộng thêm trách nhiệm chăm sóc, lo toan cho hai con một mình, bạn thực sự đã và đang trải qua quãng thời gian mệt mỏi, khổ đau, khó khăn rất nhiều. Thiên Bình xin được chia sẻ với bạn và mong thật nhiều điều tốt đẹp sẽ đến với bạn.

Hiện tại, bạn và chồng đã ly thân nhiều năm, việc kết nối với nhau dừng lại ở việc chu cấp tiền bạc nuôi các con, có thể nói mối quan hệ đã rơi vào tình trạng mất kết nối, thiếu niềm tin và tình thương nghiêm trọng. Qua chia sẻ của bạn, Thiên Bình nhận thấy bên trong bạn đang chất chứa nhiều sự trách móc, giận dữ dành cho chồng. Bạn nhìn nhận thấy ở người đó rất nhiều điểm xấu, và yếu kém trong cách hành xử với vợ và gia đình vợ. Bản thân bạn cũng đầy lo lắng và sợ hãi khi đối diện với các phản ứng, hành động đáp trả của chồng. Do nội dung chia sẻ chưa đủ chi tiết, Thiên Bình chưa thể đánh giá xem vì sao người chồng lại phản ứng tiêu cực với bạn như vậy ( không cho liên hệ với con, dọa nạt gia đình vợ). Tuy nhiên ít nhiều trong lúc va chạm và mâu thuẫn suốt mối quan hệ, cũng sẽ có những phần lỗi đến từ phía bản thân mình, làm mối quan hệ rạn vỡ, hay căng thẳng như hiện tại.

Trước phản ứng tiêu cực của người đó hiện tại, điều tốt nhất bạn có thể làm là không gia tăng thêm mâu thuẫn, tổn thương, rạn nứt với người đó. Giữ cho hai bên được bình tĩnh và cân bằng lại, trước khi muốn giải quyết bất cứ điều gì. Mọi sự cố gắng dàn xếp, vạch rõ đúng sai, ép buộc hay áp đặt đều không mang lại tác dụng tích cực nào, thậm chí còn đẩy mâu thuẫn lên cao và làm tổn thương sâu hơn người trong cuộc hay các con. Để làm được điều này, bạn cần cho bản thân một khoảng thời gian để tĩnh lặng, an ổn, để tâm trí không còn hay ít nhiều bớt đi sân giận, sợ hãi, hoang mang. Hãy cứ dành cho mình vài ngày, tạm thời để tình trạng như vậy, không cố gắng thay đổi để làm cho bản thân bình tĩnh và có năng lượng tốt. Khi bạn có ít nhiều bình an bên trong, cách hành xử và thái độ của bạn sẽ khác, người khác khi tiếp xúc với bạn cũng sẽ không dễ nổi giận và bạo lực khi bạn giữ thái độ chắc chắn, mềm mỏng, nhẹ nhàng.

Nếu bạn băn khoăn về việc để yên không làm gì sẽ khiến sự việc tệ đi, bạn không kiểm soát được. Hãy tự đặt cho mình những câu hỏi xem nếu mình hành động trong tình trạng hai bên cùng căng thẳng, cảm xúc giận dữ và oán trách lên cao, sẽ chẳng có được kết quả tốt đẹp. Kết quả ấy là sự tử tế, bình tĩnh để nói chuyện được với nhau, chia sẻ và đồng thuận với nhau về con đường sắp tới, dù mối quan hệ là ly hôn hay không. Vì vậy, hãy chấp nhận tình trạng hiện tại, vượt lên nỗi sợ hãi không kiểm soát được tình hình, hãy học cách buông xuống tạm thời nhưng mong muốn kiểm soát của bản thân, tập trung để mình tĩnh tại, nhìn nhận mọi việc khách quan, đúng đắn hơn. Bạn chỉ cần thông báo tới người đó về mong muốn của mình, rằng mình không mong mọi chuyện sẽ tiêu cực làm tổn thương họ và các con.

Nếu được, hãy hạ cái tôi của mình xuống, xin lỗi người đó về những hành xử nóng giận của mình trong khi mâu thuẫn, ít nhất nhận phần lỗi và trách nhiệm của mình không cần quan trọng đúng sai nhiều hơn hay ít hơn. Sau khi đã đủ bình tĩnh và bình an hơn, bạn cũng cần chọn cho mình một mục tiêu, một cái đích. Bạn có thể lựa chọn hàn gắn mối quan hệ với người đó, gìn giữ gia đình, hoặc nếu nhận thấy đã không thể hàn gắn do không còn chung những giá trị và tình yêu, tình thương đều đã không còn, bạn sẽ thể lựa chọn ly hôn trong văn minh, bình an, tử tế để cùng nhau chia sẻ những trách nhiệm chung với các con.

Dù bạn chọn đích của mình là gì, thì việc thay đổi bản thân và cách nhìn nhận là rất quan trọng, đòi hỏi nỗ lực rất nhiều.Thế giới bên trong bạn sẽ chi phối và thu hút những điều kiện tương ứng bên ngoài xảy đến. Nếu tâm ta giận dữ, sân hận, oán trách và thiếu biết ơn, thì cách cuộc sống đưa đến những khó khăn cũng sẽ như vậy. Ta cũng sẽ nhận lại những điều tương tự qua cách hành xử từ mối quan hệ xung quanh. Do vậy, việc bạn cố gắng thay đổi, sửa chữa người đó, hay tìm cách để tình trạng diễn biến theo ý mình sẽ không mang lại hạnh phúc và kết quả lâu dài.

Nếu muốn cuộc sống của bạn bớt khổ đau và mâu thuẫn, chính bạn phải học cách đối xử với cuộc sống này như vậy. Hãy học cách trân trọng những gì mình đang có, ghi nhận vấn đề đơn thuần ( không suy diễn ý đồ hay nghĩ xấu, tiêu cực cho người khác), học cách để bản thân chữa lành những tổn thương bằng sự tích cực, sống chậm rãi, thả lỏng,thư giãn nhiều hơn. Khi bạn tích cực và bình an, bạn cũng sẽ bao dung và học cách hiểu cho những khó khăn của người khác, hay bớt mắc kẹt khổ đau vào cách hành xử của đối phương.Với tình trạng hiện tại, khả năng bạn và người đó có thể nói chuyện trong bình tĩnh, an toàn tinh thần là rất thấp. Do vậy, khi bạn bình an hơn, có thể lắng nghe tốt hơn, bớt xáo trộn bên trong hơn, bạn có thể đề xuất một buổi nói chuyện với người đó. Hãy nghe với tâm thế tìm hiểu những khó khăn của họ, để hiểu họ hơn, để có thể có cách giải quyết tốt nhất cho nhau, cho các con. Chỉ khi bạn làm được điều này mới nên nói chuyện trực tiếp.

Nếu không, bạn cũng có thể gửi những dòng tin nhắn hay bức thư đến người đó nói về những mong muốn, khó khăn của mình. Dù thế nào, nếu đã chọn đích là bình an, tử tế với nhau đến cùng, bạn hãy giữ vững tinh thần đó cho dù phản ứng của họ ra sao. Hãy nhớ rằng chỉ tình thương và sự tử tế mới có thể cảm hóa được người khác và chữa lành cho mối quan hệ.Những hành động và lời nói của người khác trong lúc giận dữ không phản ánh bản chất của họ. Họ có thể cũng đã đừng là người chồng, người cha với nhiều điểm tốt cho đến khi mối quan hệ rạn nứt, chính họ của có nhiều khổ đau và tổn thương. Do vậy, việc người đó mong muốn nuôi con và hành xử tiêu cực để giành quyền nuôi con thể hiện họ có tình yêu thương của người bố không kém gì mẹ cả. Chúng ta, dù có ly hôn, cũng không có quyền ngăn cấm tình cảm giữa bố hay mẹ với con cái. Để các con hạnh phúc, ta cần dung hòa được mong muốn này giữa cả hai bên, và hãy tạo điều kiện cho mình và người đó được cùng chăm sóc con. Hãy cho họ thời gian để hiểu về mong muốn hòa bình của bạn, đừng bắt họ chấp nhận hay thay đổi ngay, dần dần khi bạn cứ tử tế, họ sẽ nhìn nhận ra và điều chỉnh.Hành trình tìm lại hạnh phúc và bình an của bạn có lẽ còn cần nhiều hơn những góc nhìn và phương pháp rèn luyện.

Hi vọng bạn sẽ nhìn nhận biến cố, khó khăn này như một cơ hội để thay đổi mình, thay đổi cuộc sống hiện tại, sống tự lập, sâu sắc và nhẹ nhàng hơn.Chúc bạn luôn vững vàng và mạnh mẽ trước biến cố cuộc đời.
Coach Thiên Bình

 

Đôi nét về Coach Thiên Bình:

  • Học viên khóa K03- Lớp học đào tạo Chuyên Gia_ Người Gieo Hạnh Phúc
  • Một LifeCoach trong lĩnh vực tình yêu và hôn nhân. Đồng hành, Coaching với nhiều học viên qua các khóa học như: Lộ trình Coach 1:1, các khóa phụng sự cồng động
  • Cộng sự của Happy Academy từ 2021 đến hiện nay.

 

Bài viết có thể bạn quan tâm:

 

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Bài viết liên quan