Đừng vội đổ lỗi cho chồng và người thứ ba khi bạn đời ngoại tình

Ngoại tình trong hôn nhân giống như một “kẻ thù” âm thầm, chỉ chờ hôn nhân bạn gặp sơ hở để cắt đứt sợi dây tình yêu giữa hai vợ chồng, làm cho tổ ấm trở nên chia rẽ. Tuy nhiên, ở một khía cạnh nào đó sự xuất hiện của người thứ ba cũng có thể coi như một “liều thuốc thử” để xem cuộc hôn nhân đó có thật sự bền chặt và “tốt đẹp” như người trong cuộc vẫn nghĩ.

Mọi chuyện xảy ra không phải là vô duyên vô cớ cả. Do vậy, một mối quan hệ rạn nứt, mất kết nối hay gặp khủng hoảng ngoại tình, ly hôn không phải là vấn đề đột nhiên xảy ra. Để có những kết quả tệ như thế này là do sự phớt lờ, sự chủ quan và coi thường những dấu hiệu đã được báo trước trong quá khứ. Từng vấn đề nhỏ nếu bị phớt lờ hay cứ lấp liếm cho qua thì đến một thời gian nhất định nào đó, tất cả những vấn đề nhỏ mà chưa từng giải quyết sẽ gây ảnh hưởng, dồn nén và dẫn đến khủng hoảng hay đổ vỡ trong hôn nhân.

Khi hôn nhân có người thứ ba xen vào, chúng ta thường đổ lỗi cho chồng, cho nhận tình và luôn luôn cho bản thân mình là đúng, họ là người sai. Bạn luôn lấy cái sai và sự đổ lỗi để dằn vặt đối phương, làm mối quan hệ vợ chồng trở lên căng thẳng và bế tắc. Ngày mà bạn đổ lỗi ra bên ngoài là ngày thể hiện sự yếu đuối và sợ hãi vô cùng lớn ở bên trong bạn. Yếu đuối và sợ hãi đến mức không dám nhận trách nhiệm cho chính cuộc đời của mình. Và lúc đó, bạn đã vô tình trao quyền kiểm soát cuộc đời của mình, làm chủ cuộc đời của mình vào tay của những đối tượng mà bạn đang đổ lỗi như vậy.

Làm sao để ngừng đổ lỗi trong tình huống bạn đời ngoại tình ?

Có một sự thật rằng khi biến cố đến có rất ít người chấp nhận là mình sai, rất ít người dám tự chịu trách nhiệm với những cái gì nó đã xảy ra và dám đối mặt một cách bình tĩnh và tử tế. Nhưng nếu như bạn dám nhìn lại tất cả sự việc đến một cách bình tĩnh bạn sẽ nhận ra một điều rằng “ Tại sao người ấy ngoại tình ”. Hãy cùng xem video dưới đây của Tuệ An nhé.

Số 1: Bạn kiểm soát người ấy quá nhiều, bạn thường xuyên tra tấn họ bởi sự kìm kẹp của bạn, có thể bằng lời nói, bằng hành động, bằng những tin nhắn đi đâu, làm gì …. Nếu như những điều này diễn ra trong vòng một tháng, hai tháng, một năm, mười năm thì điều gì sẽ xảy ra. Người ấy sẽ hết sức mệt mỏi, dường như họ cảm thấy kiệt sức và không còn muốn ở gần bạn hay muốn ở bên cạnh bạn nữa. Và ngoại tình đôi khi lúc này chỉ là cái hệ quả tất yếu mà thôi.

Số 2: Có bao giờ họ cố gắng thật nhiều, họ cũng nỗ lực thật nhiều để chứng minh rằng họ có giá trị, để thấy rằng họ cũng thương gia đình, họ là người có trách nhiệm. Nhưng có bao giờ sau tất cả những cố gắng của họ mà bạn đã chưa từng ghi nhận, thậm chí bạn thường xuyên đem chồng mình so sánh với chồng nhà người ta, thường xuyên phê bình, thường xuyên ghim vào đầu mình những điểm xấu tệ để rồi trách móc chồng mình. Vậy nếu bạn có những hành động hay suy nghĩ kể trên đó là những biểu hiện bạn đang không coi trọng đối phương. Bạn nên nhớ, bạn chỉ có những thứ ở bên cạnh mình, gắn bó với mình khi và chỉ khi bạn thật sự coi trọng nó, thật sự quan tâm và chăm sóc cho nó.

Số 3: Bạn đã bao giờ làm tổn thương lòng tự trọng của người đàn ông dù vô tình hay cố ý chưa ? Đàn ông tính tự trọng của họ rất cao và đương nhiên cái tôi của họ cũng lớn. Bởi vì họ cho rằng họ phải là người trụ cột của gia đình, là người bản lĩnh và mạnh mẽ. Những người luôn muốn chứng minh mình mạnh mẽ và bản lĩnh như thế mà đón nhận được rất nhiều cái phủ đầu như là sự so sánh, sự chê bai thì đương nhiên mối quan hệ đó không thể nào là tốt đẹp. Đàn ông cũng rất cần sự lắng nghe, sự thấu hiểu mà nếu như bạn đã đánh mất đi cái điều đó thì chắc chắn mối quan hệ hôn nhân của bạn và họ sẽ lao dốc một cách không phanh.

Số 4: Bạn đang đặt kỳ vọng quá nhiều hạnh phúc của mình vào nơi của một người khác. Nhưng bạn nhầm rồi, nếu như bạn đặt kỳ vọng quá nhiều vào người khác thì bạn cũng thất rất mệt mỏi và họ cũng thấy áp lực. Hạnh phúc của bạn phải là do chính bạn, bạn không thể đưa hạnh phúc của mình vào tay của một ai đó và bắt họ phải nâng niu và chiều chuộng bạn. Bởi vì mỗi con người đều là những cá thể độc lập, đôi khi họ có những tổn thương riêng, có những nỗi niềm riêng và có bao giờ mình chịu hiểu cho những tổn thương mà họ đã trải qua. Nếu như bạn đặt quá nhiều kỳ vọng hạnh phúc vào tay của đối phương thì mối quan hệ không thể nào tốt đẹp, chính những sự kỳ vọng quá nhiều rất dễ gây đến sự thất vọng cho bạn.

Số 5: Cái tôi quá cao dẫn đến sự phá hủy đi mối quan hệ lẫn nhau. Bạn có bao giờ thấy “cái tôi” của mình trỗi dậy một cách kinh khủng không ? Biểu hiện như bạn luôn muốn giành phần thắng về mình, muốn đối phương phải quan tâm bạn, đáp ứng những nhu cầu mà bạn muốn, khi không được đáp ứng bạn luôn cảm thấy khó chịu và khổ đau. Chính cái tôi của bạn cao cũng khơi gợi lên cái tôi cao và to đùng của đối phương, và cứ như thế chẳng ai chịu nhường ai. Và nếu như người nào chỉ muốn sống cho chính mình thôi thì chắc chắn mối quan hệ đó sẽ không bao giờ tốt đẹp được.

Thông điệp gửi đến bạn:

Bạn đã bao giờ phạm phải những điều Tuệ An vừa kể trên không ? Nếu như bạn nhận ra điều này, bạn sẽ ngừng đổ lỗi. Khi bạn ngừng đổ lỗi thì tự bạn sẽ cảm thấy dễ thở hơn, tự bạn sẽ cảm thấy vững chãi hơn và khi đó bạn sẽ dễ dàng vượt qua những biến cố thăng trầm của cuộc đời.

Bài viết có thể bạn quan tâm:

Bài viết cùng chủ đề

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *